Trước khi đến Nhật Bản, hãy "thuộc lòng” những quy định này!
Nhật Bản là một trong những quốc gia châu Á thân thiện, xinh đẹp và hiếu khách. Vậy nhưng để đặt chân tới đất nước này, các du khách cần nắm được những quy định nhập cảnh Nhật Bản cũng như những mặt hàng bị cấm/ hạn chế vận chuyển trên máy bay đi Nhật. Cùng ABAY.vn tìm hiểu để sẵn sàng cho một hành trình bay suôn sẻ bạn nhé.
Trước khi tới Nhật Bản, hãy thuộc lòng những quy định về nhập cảnh và những mặt hàng bị cấm/ hạn chế vận chuyển trên máy bay đi Nhật
1. Những mặt hàng bị cấm/ hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản
Một số loại trái cây hoặc rau quả tươi
Nhìn chung, trái cây hoặc rau quả tươi thường sẽ bị hạn chế nhập cảnh vào một quốc gia. Và đối với Nhật Bản thì quy định này lại vô cùng hà khắc. Đặc biệt, Nhật Bản quy định cấm các loại trái cây, rau và thực vật từ một số quốc gia, khu vực nhất định. Điều này nhằm tránh các vi sinh vật, sâu bệnh, mầm bệnh… lây lan, truyền nhiễm vào Nhật Bản.
Các loại giăm bông, xúc xích, thịt xông khói
Tất cả các sản phẩm từ động vật bao gồm thịt, nội tạng, trứng, xương, mỡ, máu, da, lông, sừng, móng guốc, gân, sữa tươi… đều phải được kiểm dịch động vật nếu muốn nhập cảnh vào Nhật Bản, kể cả các sản phẩm này đã được làm lạnh, đông lạnh, nấu chín hoặc đựng trong bao bì kín có hút chân không.
Tất cả các sản phẩm từ động vật, kể cả 1 miếng giăm bông, xúc xích hay thịt xông khói, cũng phải được đi kèm giấy chứng nhận kiểm định do quốc gia nơi bạn khởi hành cung cấp.
Nhật Bản cũng quy định không nhập cảnh các sản phẩm động vật từ một số quốc gia và khu vực cụ thể do nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh động vật.
Các mặt hàng được làm từ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES)
Bạn sẽ không thể nhập cảnh vào Nhật Bản các mặt hàng/ sản phẩm được làm từ các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng đã được CITES liệt kê. Vì vậy, để chắc chắn, hãy tham khảo trước danh sách các loài động vật này trước khi quyết định vận chuyển một mặt hàng liên quan nhé.
Các loại thuốc bất hợp pháp
Tất cả các loại thuốc bất hợp pháp (chẳng hạn cần sa, thuốc kích thích…) đều không được phép nhập cảnh Nhật Bản, kể cả khi chúng hợp pháp ở nước bạn. Chắc chắn bạn sẽ bị truy cứu nếu mang theo các loại thuốc này tại bất kỳ sân bay nào của Nhật Bản.
Các loại vũ khí và vật liệu nổ
Việc mang súng vào Nhật Bản được xem là bất hợp pháp. Dù là vô tình hay cố ý, nếu bạn mang các loại vũ khí hoặc chất nổ (súng, bom, vũ khí hóa học, sinh học, thuốc súng…) tới Nhật Bản, bạn sẽ bị truy cứu hình sự. Ngoài ra, nếu bạn mang đạn mà không có súng thì cũng được xem là bất hợp pháp.
Dao hoặc các vật dụng sắc nhọn
Mang theo dao hoặc các vật dụng sắc nhọn tương tự trong hành lý xách tay lên máy bay đồng nghĩa với việc bạn đã vi phạm Luật Hàng không Nhật Bản và có thể bị phạt tới 500.000 Yên.
Các vật dụng sắc nhọn bao gồm: Các vật phẩm có thể được sử dụng làm vũ khí (dao, kéo sắc nhọn…); các vật dụng có bộ phận sắc nhọn đặc biệt…
Hàng giả, hàng nhái
Các mặt hàng nhái, hàng giả như quần áo, túi xách, đồng hồ… không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản. Nếu cố ý mang một số lượng lớn các mặt hàng này, bạn có thể bị bắt giữ hoặc tịch thu hàng hóa, hoặc cả 2 điều này. Tùy vào từng trường hợp, bạn cũng có thể bị yêu cầu nộp tiền phạt.
Video hoặc sách dành cho người lớn không được kiểm duyệt/ nội dung khiêu dâm trẻ em
Các loại văn hóa phẩm dành cho người lớn không được kiểm duyệt như video, tạp chí, truyện tranh, có nội dung khiêu dâm trẻ em đều không được phép nhập cảnh Nhật Bản. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm, các hành động này đều sẽ bị xử phạt.
Tiền giả và thẻ tín dụng
Nếu bị phát hiện mang theo tiền giả, thẻ tín dụng hoặc chứng khoán có thể bán được vào thị trường Nhật Bản, bạn sẽ bị bắt, bất kể bạn bay từ quốc gia nào.
Một số vật dụng bị cấm/ hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản
2. Quy định về việc vận chuyển chất lỏng trên các chuyến bay đi Nhật Bản (chuyến bay quốc tế)
Đối với các chuyến bay quốc tế, tất cả các chất lỏng đều phải được lưu trữ trong các hộp/lọ/chai đựng có dung tích không quá 100 ml. Quá dung tích này, các chất lỏng sẽ bị cấm mang lên máy bay.
Cách đóng gói các chai lọ chất lỏng mang lên máy bay
- Đựng chất lỏng trong các hộp/chai/lọ có dung tích không lớn hơn 100 ml và đặt các chai/lọ này trong một túi nhựa trong suốt, đóng kín. Tổng dung tích không quá 1 lít.
- Túi nhựa đựng chai/lọ yêu cầu có kích thước 20 x 20 cm.
- Hành khách sẽ tự mua túi nhựa tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị…
- Mỗi hành khách chỉ được phép mang theo 1 túi nhựa này.
- Nếu vượt quá các giới hạn về kích thước này, hãy đóng gói đúng cách và vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi. Đừng quên thông báo cho nhân viên tại quầy check-in.
Các chất lỏng được yêu cầu kiểm tra trước khi lên máy bay
Các chất lỏng sau đây sẽ bị tịch thu nếu chúng vượt quá 100 ml (g): Tương miso, hoa quả đóng lọ, thực phẩm đóng hộp, sữa chua, mứt, dưa chua, dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, kem dưỡng mỹ phẩm…
Chất lỏng (rượu, mỹ phẩm...) mua tại cửa hàng miễn thuế và một số cửa hàng khác trong khu vực chờ ra máy bay có thể được mang lên máy bay
Các chất lỏng phải được đựng trong các chai lọ có dung tích không quá 100 ml, tất cả các chai lọ phải đựng trong 1 túi nhựa trong suốt có khóa zip, tổng dung tích các chai lọ không quá 1 lít
3. Các vật dụng bị hạn chế mang lên máy bay
Diêm và bật lửa
Diêm và bật lửa vẫn được phép mang lên cabin máy bay, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định sau:
- 1 hành khách chỉ được phép mang 1 bật lửa.
- Chỉ chấp nhận vận chuyển bật lửa dạng nhỏ dùng cho việc hút thuốc lá.
Nếu bạn mang từ 2 chiếc bật lửa trở lên thì chắc chắn không được phép. Ngoài ra, bạn cũng không được phép mang bật lửa trong hành lý ký gửi.
Các loại bật lửa khác như bật lửa có chứa dầu, bật lửa xì gà, bật lửa hình pistol không được phép vận chuyển cả trong hành lý ký gửi và hành lý xách tay.
Các thiết bị điện tử có pin lithium hoặc lithium ion tích hợp
Các thiết bị này bao gồm: Điện thoại di động, đầu DVD di động, thiết bị radio, thu phát, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, máy copy di động, máy in, máy đọc e-book, máy chơi game, thiết bị camera…
Đối với pin lithium:
- Các thiết bị điện tử chứa pin có hàm lượng lithium ít hơn 2g được phép vận chuyển trong cả hành lý xách tay và ký gửi. Nếu hàm lượng lithium trên 2g thì không được phép vận chuyển dưới dạng xách tay và cả ký gửi.
- Pin lithium dự phòng có hàm lượng lithium ít hơn 2g thì chỉ được phép vận chuyển dưới dạng xách tay, không được để trong hành lý ký gửi. Nếu hàm lượng lithium nhiều hơn 2g thì không được vận chuyển dưới dạng xách tay và ký gửi.
Đối với pin lithium ion:
- Các thiết bị điện tử chứa pin có hàm lượng lithium ít hơn 160Wh được phép vận chuyển cả trong hành lý xách tay và ký gửi. Nếu hàm lượng lithium trên 160Wh thì không được phép vận chuyển cả trong hành lý xách tay và ký gửi.
- Pin lithium dự phòng có hàm lượng lithium ít hơn 100Wh thì chỉ được phép xách tay lên máy bay, không được để trong hành lý ký gửi. Hàm lượng lithium từ 100Wh - 160Wh được phép vận chuyển trong hành lý xách tay (lên đến 2 miếng), không được vận chuyển trong hành lý ký gửi. Hàm lượng lithium trên 160Wh không được vận chuyển trong cả hành lý xách tay và ký gửi.
Các thiết bị điện tử cần được tắt nguồn hoàn toàn khi vận chuyển để tránh trường hợp được kích hoạt hoặc hư hỏng ngoài mong muốn.
4. Các vật dụng không được phép để trong hành lý ký gửi
Đó là các vật dụng:
- Các vật dụng đắt tiền: tiền mặt, trang sức, kim loại quý, chứng khoán, hối phiếu, tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ…
- Các vật có giá trị: Tài liệu, dữ liệu điện tử, hộ chiếu và các chứng thực cá nhân cần thiết cho du lịch, thẻ tín dụng/ ngân hàng, chứng từ tiền mặt, sổ ngân hàng, séc, chìa khóa, máy tính và phụ kiện máy tính, điện thoại di động, máy quay phim, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay video, tranh, đồng hồ, vật lưu niệm...
Như vậy, có thể thấy Nhật Bản khá nghiêm ngặt trong vấn đề nhập cảnh cũng như các quy định khi đi máy bay. Chính vì vậy, bạn đừng quên “note” ngay những thông tin trong bài viết của ABAY để chuyến bay đến Nhật Bản sắp tới trở nên suôn sẻ hơn nhé.
T.Năm, 06/09/2018 10:06