Thơm dịu hương cốm làng Vòng
Không phải ngẫu nhiên mà thứ quả mộc mạc, giản dị của đồng quê lại cùng mùa thu Hà Nội đi vào thơ ca. Cốm là thức quà riêng biệt của một đất nước. Thức quà ấy mang trong hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp. Cứ mỗi độ sen tàn, nắng thu lan tỏa, phảng phất trong heo may man một mùi hương quen thuộc đã làm say lòng bao lữ khách, đó là hương cốm. Đến Hà Nội, không ai không ...
Không phải ngẫu nhiên mà thứ quả mộc mạc, giản dị của đồng quê lại cùng mùa thu Hà Nội đi vào thơ ca. Cốm là thức quà riêng biệt của một đất nước. Thức quà ấy mang trong hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp.
“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…”
Cứ mỗi độ sen tàn, nắng thu lan tỏa, phảng phất trong heo may man một mùi hương quen thuộc đã làm say lòng bao lữ khách, đó là hương cốm. Đến Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”.
Cốm là đồ ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu. Cốm làng Vòng, phải làm từ nếp non, hạt lúa bấm ra sữa thì mới làm được cốm. Có như vậy cốm mới rẻo mới ngon. Lúa để làm cốm không được thu hoạch lúc non quá vì nếu sử dụng lúa non làm cốm nó sẽ bị nát. Nhưng cũng không già quá vì cốm sẽ cứng, ăn mất vị ngon. Người làm cốm đảo cốm rất dẻo, lửa phải được nhóm bằng bếp củi chứ không được dùng đến loại bếp khác.
Công đoạn sàng, sẩy cho ra đời nhiều loại cốm. Cốm lá me, nhỏ nhẹ như lá me, bay ra qua lần sàng, sẩy đầu, thường không bán mà người làm cốm để dành cho gia đình. Cốm rót ngon thứ hai, nhưng cũng rất ít. Cốm đầu nia “nước một”, “nước hai” được đem chia lên các xe, các gánh đem bán khắp phố phường. Đến cuối mùa thu, nếu có tìm cốm cũng chỉ tìm được cốm mộc cứng.
Cốm được bọc trong những chiếc lá sen thanh cao lắm, bên ngoài buộc một vòng rơm nếp lỏng lẻo còn tươi xanh. Không hiểu sao người ta lại dùng lá sen để đựng cốm? Chỉ biết rằng sự kết hợp của hai thứ đó làm người ta nhớ mãi.
Thế đó, không phải ngẫu nhiên mà thứ quà mộc mạc và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam lại cùng mùa thu Hà Nội đi vào thơ văn của bao nhà thơ, nhà văn.
Ngày nay ít người làm cốm và cũng ít người thưởng thức cốm vì lẽ có nhiều bánh kẹo đóng hộp đóng gói nên người ta chẳng mấy chú ý đến cái thức bán hàng rong này. Nhưng chắc không ít người nhớ đến hương vị cốm mỗi độ thu về. Có lẽ bức tranh mùa thu sẽ thiếu hụt nếu thiếu đi một nhúm nếp xanh bọc trong lá sen và quấn mấy sợi rơm non. Thức quà ấy mang trong hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp. Thức quà riêng biệt của một đất nước góp phần gìn giữ đặc trưng riêng của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
T.Sáu, 22/04/2016 15:04